image banner
Tấm gương nông dân học tập và làm theo lời Bác
Những năm qua, cùng với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thường xuyên tăng cường triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Tấm gương hội viên nông dân Hoàng Văn Dương ở thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu là một điển hình.

Dẫn chúng tôi đến thăm khu phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Dương, ông Hoàng Văn Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Hiệu cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở trong và ngoài huyện thường xuyên tìm đến học hỏi cách làm kinh tế của anh Hoàng Văn Dương. Là một người chịu thương chịu khó, đi lên từ hai bàn tay trắng, anh Dương luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, định hướng cho nhiều hộ nông dân trong xã xây dựng mô hình phù hợp. Nhờ đó tiếp thêm động lực để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

anh tin bai
Anh Hoàng Văn Dương luôn năng động trong việc chuyển đổi cây trồng,
vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.

Hơn 1ha đất trồng cây ăn quả của gia đình anh Dương với nhiều loại khác nhau đều đang trong độ tuổi cho thu hoạch. Nhìn các loại cây được trồng phân theo khu vực cho thấy, anh Dương là một người cẩn thận, tỉ mỉ, dành nhiều thời gian, công sức chăm bón. Anh Dương vui vẻ cho biết: Mỗi ngày, tôi đều có mặt trong vườn để vun xới, nắm tình hình sâu bệnh hại, tỉa cành, bón phân, tưới nước... Bản thân tôi đặc biệt chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, mỗi loại cây được chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có như vậy mới cho năng suất cao, chất lượng quả ngọt. Hiện nay, gia đình tôi có nhiều loại cây trồng gồm: mận sớm, thanh long, táo đại, cam... Riêng đối với cây mận là cây chủ lực, tôi áp dụng kỹ thuật mới trong quá trình chăm sóc, giúp cây ra hoa, đậu quả sớm hơn so với khung thời vụ thông thường, vì vậy giá bán đầu vụ luôn được cao. Bên cạnh đó, nhờ đa dạng hóa cây trồng mà gia đình tôi được thu hoạch quanh năm theo từng loại, tạo được nguồn thu nhập ổn định.

Song song với trồng cây ăn quả, gia đình anh Dương còn kết hợp chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Dương chia sẻ tiếp: Từ năm 2013, khi đó đất đồi còn là khu đất mới khai phá, tôi thấy rất phù hợp để nuôi gà. Mỗi năm gia đình tôi nuôi từ 500 - 1.000 con mỗi lứa. Trong quá trình nuôi tôi đã nhận ra, sau mỗi năm cần phải thay đổi vị trí chuồng trại, có như vậy gà mới không bị nhiễm bệnh, phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Từ đầu năm nay, tôi chuyển sang chăn nuôi vịt thương phẩm với số lượng khoảng 300 con mỗi đàn. 3 ao cá với diện tích hơn 2000m2 vừa thả các loại trắm, chép, mặt nước vừa là môi trường tốt để cho vịt được tắm hàng ngày, nhờ đó mà vịt luôn sạch sẽ, không bị hôi, được các nhà hàng, quán ăn trong huyện ưa chuộng.

Với đức tính cần cù, chịu khó, anh Dương còn nuôi thêm lợn thịt, trồng rừng lấy gỗ, chăn nuôi duy trì 3 con lợn nái đen đểlấy giống, trung bình mỗi lứa, gia đình anh nuôi khoảng 30 con lợn thương phẩm trở lên. Gần 4ha rừng keo, mỡ được đầu tư chăm sóc, bón phân, phát cỏ. Đến nay, cứ sau khoảng 3 năm lại cho khai thác tỉa, đem lại thu nhập từ 80 - 130 triệu đồng/đợt thu. Gia đình anh Dương còn chủ động đầu tư hơn 30 triệu đồng để mở đường, tạo thuận lợi cho việc khai thác lâm sản và thu hoạch cây ăn quả.

Ở địa phương, anh Hoàng Văn Dương còn là tấm gương điển hình “Dân vận khéo”, tích cực vận động bà con tham gia phát triển kinh tế. Từ năm 2016, anh vận động hơn 20 hộ trên địa bàn xã thành lập nhóm trồng trọt, chăn nuôi, cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hàng năm, anh giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo về vốn vay, hỗ trợ cây con giống, tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương... Anh Dương cho biết: Bản thân tôi cho rằng, muốn phát triển bền vững, lâu dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp thì rất cần sự liên hết chặt chẽ giữa các hộ. Liên kết vừa không để xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, vừa có thể giúp nhau trong tất cả các quy trình sản xuất, chăn nuôi, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà người nông dân vất vả làm ra.

Nhờ có kinh nghiệm, anh Dương cùng nhiều hộ dân trên địa bàn thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau, đem lại hiệu quả thiết thực như: chia sẻ kỹ thuật tỉa cành, bón phân, chăm sóc từng loại cây ăn quả theo từng giai đoạn; chiết ghép cây giống chất lượng để mở rộng diện tích trồng, giảm chi phí, rủi ro đối với việc mua giống không đảm bảo. Trong chăn nuôi, hỗ trợ nhau tiêm phòng, khử trùng, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi trên diện rộng, tránh dịch bệnh lây lan; trực tiếp đứng ra làm đầu mối nhập các loại vật tư nông nghiệp với giá thành thấp hơn giá bán lẻ ngoài thị trường. Kết nối tiêu thụ tại một số nơi trong và ngoài tỉnh, đảm bảo giá cả cạnh tranh, bình ổn...

Với nỗ lực học tập và làm theo lời Bác dạy, luôn phấn đấu, đoàn kết để vươn lên, anh Hoàng Văn Dương đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc nhân rộng, lan tỏa mô hình kinh tế hiệu quả giúp cho nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên, cải thiện cuộc sống, cùng nhau xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc./.

Thu Hường

Tin tức mới nhất







2017 © Bản quyền thuộc Tỉnh Đoàn Bắc Kạn
Địa chỉ: Tổ 7, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 0209 3500 372 | Email:ttvh.tdbk@gmail.com
Thiết kế bởi VNPT | Quản trị