Ông Hoàng Văn Phào, dân tộc Nùng, ở thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn hiện là ông chủ của xưởng sản xuất gỗ bóc với diện tích nhà xưởng 0,5 ha. Từ sản xuất gỗ bóc, mỗi năm ông thu bình quân 300 triệu đồng và tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Ông Phào bên dàn máy bóc mới thay tại xưởng của gia đình
Ông Hoàng Văn Phào cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng lúa, nhận mua rừng trồng về khai thác, thấy địa phương rừng trồng ngày càng phát triển, nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú, thích hợp cho sản xuất gỗ bóc. Năm 2018, ông vay tiền ngân hàng 200 triệu đồng, cộng với số tiền 100 triệu đồng ông tiết kiệm được do làm nông nghiệp và khai thác gỗ nhiều năm, ông thuê 0,2 ha đất cạnh nhà mở xưởng, mua 01 bộ máy cũ bóc gỗ gồm một máy cắt, một máy tu, một máy bóc gỗ.
Sản phẩm gỗ bóc của xưởng gia đình ông Phào chủ yếu sản xuất hàng thô bán đi các tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên. Đến năm 2021, gia đình mua mới một máy bóc thay máy cũ và thuê thêm 0,3ha đất để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, với dàn máy bóc của gia đình có công suất trung bình 14m3/ ngày. Còn rác bì được dùng để làm nguyên liệu đun đốt.
Để có đủ nguyên liệu sản xuất lâu dài, ông Phào còn liên kết với nhiều hộ dân trồng rừng ở các huyện, thành khác trong tỉnh Bắc Kạn mua thêm gỗ để sản xuất.
Ông Phào cho biết thêm: Sản phẩm gỗ bóc được chia thành 3 loại, trong đó loại 1 bán cho các nhà máy chế biến chất lượng cao, còn loại 2, loại 3 thì tùy theo từng đối tượng khách hàng. Mỗi năm từ sản xuất gỗ bóc, gia đình thu về bình quân 300 triệu đồng tiền lãi.
Sản phẩm gỗ bóc của gia đình ông phào
Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình ông Phào đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ, mỗi lao động bình quân 200.000đ/người /ngày.
Để chủ động được nguồn nguyên liệu cho những năm sau, ông dùng phần tiền thu từ sản xuất gỗ bóc mua thêm đất đồi của bà con địa phương trồng rừng. Đến nay gia đình thuê trồng được 6 ha đồi mỡ và đã cho khai thác một nửa diện tích, còn 27 ha rừng gỗ tạp, gia đình dự kiến đầu tư trồng keo, mỡ, cây ăn quả những năm sau này.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông tích cực chia xẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp, ủng hộ các quỹ hoạt động xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân.
Anh Hoàng Mạnh Thường - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Gia đình ông Phào là một trong những hộ hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, bền vững của địa phương và có tư duy phát triển kinh tế rừng từ rất sớm. Do nhận thức được hiệu quả kinh tế từ rừng, gia đình ông Phào đã đầu tư máy móc để mở xưởng sản xuất gỗ bóc và mua thêm đất đồi trồng rừng làm nguyên liệu sản xuất. Xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình ông đã tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho các lao động tại địa phương. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đến thăm quan, học tập, làm theo. Sự nỗ lực của ông Phào đã được đền đáp, nhiều năm liền gia đình đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Trong thời gian tới Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả…”.
Sản xuất gỗ bóc là mô hình có tiềm năng phát triển tại địa phương khi được định hướng đúng và đảm bảo các yếu tố sản xuất bền vững. Mô hình giúp tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ, tạo việc làm, tăng thu nhập, người dân miền núi gắn bó với nghề rừng hơn.../.
Theo nguồn https://hoinongdan.backan.gov.vn/