Bạch Thông: Giáo dục và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ
04/06/2024
Tại tỉnh Bắc Kạn, dân tộc Tày chiếm đến 60% dân số, với quá trình tồn tại và sinh sống lâu đời, dân tộc Tày đã hình thành nên một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc.
Bên cạnh hát Then, đàn tính thì khi nhắc đến người Tày ở Bắc Kạn, chúng ta thường nhắc đến “múa Bát” - một trong những điệu múa có sự phổ biến rộng rãi nhất và được sử dụng thường xuyên hơn cả. Múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc được sử dụng trong các dịp Tết, lễ hội truyền thống hằng năm hoặc các sự kiện văn hóa quan trọng.
Năm 2022, điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi nhận giá trị to lớn mà điệu dân vũ này mang lại cho đời sống cộng đồng. Đây cũng là điều kiện để "múa Bát" - điệu múa độc đáo của đồng bào Tày lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đồng bào Tày tỉnh Bắc Kạn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung.
Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua Huyện đoàn - Hội đồng Đội huyện Bạch Thông đã tổ chức một số hoạt động nhằm tuyên truyền điệu “múa Bát” đến các em thiếu nhi như tổ chức dạy “múa Bát” tại các Liên đội trong các trường học thông qua các buổi sinh hoạt đội, sinh hoạt ngoại khoá, các lớp tập huấn hoạt động hè cho các anh chị phụ trách để truyền đạt cho các em thiếu nhi trong dịp hè năm 2024. Hiện nay việc triển khai được tổ chức tại 14/14 xã, thị trấn và một số liên đội trên địa bàn huyện.
Việc tổ chức lớp hướng dẫn, truyền dạy văn hóa phi vật thể “Múa bát” của người Tày Bắc Kạn cho các em thiếu nhi nhằm góp phần bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc và niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày, đồng thời tạo tiền đề nhân rộng loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này trong cộng đồng gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Văn Đức - HĐ