PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG, Ý CHÍ TỰ LỰC TỰ CƯỜNG, ĐOÀN KẾT, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU ĐƯA BẮC KẠN PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG
Đồng chí Hoàng Duy Chinh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
Thành tựu đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, ngày 06/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó tỉnh Bắc Kạn được tái lập với sáu đơn vị hành chính gồm thị xã Bắc Kạn và năm huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể. Sự kiện này đã đi vào lịch sử như một cột mốc quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Sau 25 năm tái lập tỉnh, 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo Nhân dân giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước đưa Bắc Kạn thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên phát triển bền vững.
Kinh tế có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 ước đạt 7,7%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) sau 25 năm tăng lên gần 37 lần (từ 362 tỷ đồng năm 1997 tăng lên hơn 13.379 tỷ đồng năm 2021). Thu nhập bình quân trên đầu người được cải thiện đáng kể, nếu năm 1997, GRDP bình quân chỉ đạt 1,25 triệu đồng/người, sau 25 năm, đến năm 2021 ước đạt 41,8 triệu đồng/người, tăng gần 31 lần sau khi tái lập tỉnh. Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế khá, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã đạt được nhiều kết quả khả quan, năm 1997 thu ngân sách mới đạt 16,7 tỷ đồng, đến năm 2021 ước đạt 760,2 tỷ đồng, tăng hơn 45 lần so với năm 1997.
Công tác thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế đạt được những kết quả vượt bậc. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp với các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng và du lịch. Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 151 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12.983 tỷ đồng (Hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn và thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể, cùng các công trình, dự án khác nhằm thu hút đầu tư). Một số nhà đầu tư lớn khác cũng cam kết tài trợ quy hoạch, đầu tư dự án xây dựng sân golf, các khu du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh nhằm đưa Bắc Kạn trở thành điểm đến du lịch mới…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh quán triệt nội dung Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 14.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ một tỉnh thuần túy phát triển nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn đã phát triển khá ở các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ và bước đầu hình thành, tạo nền tảng phát triển cho khu vực công nghiệp xây dựng. Tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp đã giảm từ 60,9% năm 1997 xuống còn 29,8% năm 2021; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,5% năm 1997 lên 14,7% năm 2021; khu vực dịch vụ tăng mạnh từ 29,6% năm 1997 lên 52,4% năm 2021. Toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp, HTX và 400 hộ sản xuất cá thể, trong đó công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến là những ngành công nghiệp chính.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng với hơn 4.521km đường giao thông; trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp được cung cấp đủ nước tưới tiêu; 97,39% hộ dân được sử dụng điện; trên 1.030 giường bệnh, 103 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 100% xã, phường có trụ sở xã cơ bản đạt yêu cầu; hạ tầng đô thị, nông thôn được quan tâm với 09 đô thị và 15/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 49 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bắc Kạn là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2018, đến nay sau gần 04 năm triển khai, tỉnh Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, là tỉnh đứng trong top đầu cả nước về thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và cũng là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với 73,4%.
Giáo dục - đào tạo đạt kết quả tích cực. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều là 18,5%; dự kiến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm thêm 1,39%. Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Khoa học công nghệ, thông tin truyền thông có nhiều đóng góp tích cực vào thực tiễn sản xuất và đời sống. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
25 năm, thời gian chưa dài nhưng Bắc Kạn đã có những bước phát triển đột phá đáng tự hào. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ với những chủ trương đúng và cách làm phù hợp trên bước đường vượt khó vươn lên. Đảng bộ tỉnh đã tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà khâu quan trọng là đoàn kết từ trong nội bộ các cấp làm nòng cốt đại đoàn kết toàn dân; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác cán bộ, phát triển đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; công tác vận động Nhân dân. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được tập trung lãnh đạo và từng bước đổi mới. Hệ thống chính trị các cấp được kiện toàn, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động. Dân chủ được phát huy rộng rãi, nội bộ đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh, thế và lực để đưa Bắc Kạn từng bước vượt qua mọi khó khăn, vươn lên phát triển bền vững.
Đoàn kết, quyết tâm xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững
Những thành quả mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đạt được trong 25 năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp nên đến nay Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh, thu hút đầu tư chưa được nhiều. Công nghiệp tăng trưởng chậm; sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa chưa cao, đại bộ phận Nhân dân làm nông nghiệp thu nhập thấp… Trên cơ sở nhận định tình hình thực tiễn, phân tích kỹ lưỡng tiềm năng, lợi thế và động lực phát triển, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực; đảm bảo quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu.
Theo đó, Bắc Kạn đang từng bước thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững”.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại chốt Kiểm dịch
y tế liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới,
đoạn qua xã Quảng Chu (Chợ Mới) tháng 2/2021.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung triển khai thực hiện 19 mục tiêu cụ thể; 5 nhiệm vụ chính và 27 giải pháp; 4 Chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Đồng thời trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước vào năm 2030, có hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến; xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông và hạ tầng nông thôn.
Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển đa dạng hoá và nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững và phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động vào năm 2050; hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước.
Tỉnh định hướng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, tập trung phát triển du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế với những bước phát triển bền vững, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành, kinh tế - xã hội; tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại Khu du lịch Ba Bể, khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng. Khai thác tối đa các tiềm năng du lịch lịch sử, sinh thái, trải nghiệm là thế mạnh của tỉnh, hình thành các tour du lịch gắn kết các Khu du lịch ATK Thái Nguyên, Bắc Kạn và Tuyên Quang; khu du lịch Ba Bể với khu du lịch Na Hang, tỉnh Tuyên Quang và khu di tích Pác Bó, thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng.
Đối với phát triển nông, lâm nghiệp, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm sản; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; khuyến khích, ưu tiên đầu tư sản xuất chế biến ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hữu cơ; thúc đẩy nhanh việc hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp có sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao và ổn định để gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn.
Đối với công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến lâm sản của khu vực miền núi phía Bắc; đồng thời đẩy mạnh khai thác các khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để đưa vào chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, trong đó tập trung khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm và các sản phẩm đi kèm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành trung tâm sản xuất chì, kẽm của cả nước.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết về: Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giai đoạn 2021 - 2025; phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025; phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...
Trong công tác xây dựng Đảng, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu mới; thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đón sự kiện trọng đại- tỉnh nhà tròn 25 năm tái lập, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân, Nhân dân cả nước thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm mới 2022, tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; các gia đình có công với nước, gia đình liệt sĩ; các đồng chí thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang sinh sống, làm việc trên khắp mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng năm mới An Khang Thịnh Vượng. Để đạt được mục tiêu đề ra, tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Bắc Kạn, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết, thống nhất cao, phát huy nội lực, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững, hòa nhịp với sự phát triển chung của đất nước./.